Quốc hội giám sát cũng chỉ ra nhiều bất cập
Hiện nay,ẽsửaquyđịnhvềchuẩnbànghếhọbreaking bad tiêu chuẩn bàn ghế học sinh (HS) tiểu học, THCS, THPT của các trường học trên cả nước được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT- BGD&ĐT-BKHCN-BYT (Thông tư 26) do Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN, Bộ Y tế ban hành ngày 16.6.2011 hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế HS trường tiểu học, trường THCS, THPT.
Thông tư này quy định bàn ghế HS được chia thành 6 cỡ số cho HS có chiều cao từ 100 cm đến 175 cm. Mỗi cỡ số được quy định cụ thể kích thước cơ bản của bàn ghế, cách bố trí bàn ghế trong phòng học bảo đảm phù hợp với đa số HS có chỉ số nhân trắc bình thường.
Tuy nhiên, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới đây cũng chỉ ra rằng Thông tư 26 còn bất cập. Cụ thể, Thông tư 26 quy định kích thước bàn ghế theo 6 cỡ số, chưa quy định cỡ số bàn ghế đối với nhóm HS có chiều cao trên 175 cm. "Tuy nhiên các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên các số liệu khảo sát về phát triển thể lực và nhân trắc HS từ giai đoạn năm 2001 - 2004. Sau gần 20 năm, thể trạng của các em HS đã có nhiều thay đổi", báo cáo nêu.
Cũng theo báo cáo, qua khảo sát thực tế, một số địa phương không tiến hành khảo sát nhóm chiều cao trung bình của HS trước khi mua sắm, mua sắm đồng loạt một cỡ số, bố trí HS ngồi tại một phòng học từ đầu cấp đến cuối cấp. Do vậy, đoàn giám sát đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ KH-CN sửa đổi Thông tư 26 cho phù hợp với sự phát triển, tầm vóc HS hiện nay.
Bộ GD-ĐT nói gì?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT), cho biết: "Qua khảo sát thực tế và phản ánh từ cơ sở, hiện nay ở một số địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, trẻ em được nuôi dưỡng tốt, một số HS cấp THPT có chiều cao trên 175 cm, dẫn đến bàn ghế theo quy định chưa phù hợp".
Theo ông Hùng Anh, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ KH-CN, Bộ Y tế, Viện Khoa học giáo dục VN nghiên cứu về nhân trắc HS. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 26 cho phù hợp với thực tế thể trạng HS. Trong thời gian chờ sửa thông tư, nếu các nhà trường và địa phương mua sắm bàn ghế mới thì cần linh hoạt khảo sát, đánh giá thực tế thể trạng HS để lựa chọn mua sắm cỡ số bàn ghế cho phù hợp.
Khoảng 63% trường học thực hiện bàn ghế 2 chỗ ngồi
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết năm học vừa qua, số lượng bàn ghế 2 chỗ ngồi của các trường học trên cả nước đạt khoảng 63% (trong đó cấp tiểu học là 65%, cấp THCS là 65%, cấp THPT là 60%). Theo quy định, bàn ghế được thiết kế tối đa không quá 2 chỗ ngồi, tuy nhiên tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn sử dụng bàn ghế loại 4 chỗ ngồi kiểu cũ không phù hợp với mô hình học tập. "Tuy nhiên, con số này cũng đã được cải thiện hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm khi chỉ khoảng 40% số bàn ghế đạt chuẩn. Điều này cho thấy các địa phương cũng rất quan tâm tới việc trang bị bàn ghế đúng quy chuẩn cho HS", ông Phạm Hùng Anh nói.
Thông tư 26 hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế HS trường tiểu học, THCS, THPT quy định: Bàn ghế được thiết kế tối đa không quá 2 chỗ ngồi; bàn và ghế rời nhau độc lập; bàn phải bố trí chỗ để đồ dùng học tập phù hợp với cấu trúc thiết kế. Ghế có thể có tựa sau hoặc không có tựa sau phù hợp với lứa tuổi HS. Các góc, cạnh của bàn ghế phải nhẵn đảm bảo thẩm mỹ, an toàn. Bàn ghế sử dụng màu sắc đảm bảo tính thẩm mỹ và phải phù hợp với môi trường học tập của lứa HS.
Ông Hùng Anh cho biết Thông tư 26 hiện chỉ vướng một điểm cần sửa là chưa có kích cỡ cho HS có chiều cao 175 cm trở lên. Ngoại trừ điểm này, những bất cập về bàn ghế HS hiện nay không phải do quy định của Thông tư 26 mà do việc triển khai thực hiện ở các địa phương. Khi Bộ đi kiểm tra về cơ sở vật chất của địa phương thì thấy rằng rất nhiều địa phương làm tốt quy định của Thông tư 26 nhưng có những vướng mắc, ràng buộc cần tháo gỡ.
Ví dụ, Thông tư 26 đã quy định rất cụ thể, chi tiết cỡ số và mã số bàn ghế theo nhóm chiều cao HS, nhưng không ít nhà trường vẫn bố trí HS từ lớp đầu cấp đến cuối cấp ngồi ở một phòng học, một kích cỡ bàn ghế. Tình trạng này hay xảy ra nhiều nhất ở cấp tiểu học vì ở khu vực thành thị, nhiều phụ huynh khi có con vào lớp 1 thường tự tổ chức mua sắm trang bị điều hòa và các thiết bị gắn tường cho lớp của con, nên muốn thống nhất với nhà trường để cho HS học tại phòng đó từ lớp 1 đến hết lớp 5. Điều này kéo theo kích cỡ bàn ghế bố trí cho phòng học lớp 1 không còn phù hợp với HS các lớp cao hơn nữa…
Liên quan đến thực tế này, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất cho hay Bộ cũng đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu các địa phương cần quan tâm bố trí cho HS ngồi đúng kích cỡ bàn ghế theo quy định, không để HS từ lớp đầu cấp đến cuối cấp vẫn phải ngồi duy nhất bộ bàn ghế vì thể trạng các em thay đổi từng năm. Không chỉ thay đổi kích cỡ bàn ghế theo từng lớp, quy định của Bộ cũng nêu rõ: "Bàn ghế được bố trí phù hợp với đa số HS. Trong một phòng học có thể bố trí đồng thời nhiều cỡ số chứ không chỉ 1 cỡ cho mọi HS".
Trả lời câu hỏi về việc các nhà trường có được quyền chủ động mua sắm bàn ghế cho HS của mình để đảm bảo sự phù hợp nhất với nhu cầu và thể trạng của HS hay không, ông Hùng Anh cho biết điều này phụ thuộc vào cơ chế mua sắm trang thiết bị dạy học của từng địa phương. Có nơi thì mua sắm tập trung do trung tâm mua sắm công cấp tỉnh thực hiện; có nơi giao cho cấp huyện mua sắm dựa trên nhu cầu, đề xuất của các nhà trường đóng trên địa bàn…
Ông Phạm Hùng Anh cũng cho rằng, dù quy định của Bộ là bàn ghế được thiết kế tối đa không quá 2 chỗ ngồi, nhưng lý tưởng nhất là trang bị ghế đơn cho HS để vừa cá nhân hóa đến từng HS, vừa có thể linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp các hoạt động giáo dục trong lớp học.